Cháu cùng bà ôn chuyện Điện Biên

Chủ nhật, trời hanh nắng sau nhiều ngày mưa rả rích, bà mang bộ quân phục cũ ra phơi. Mình biết ngay là bà đang chuẩn bị cho ngày họp mặt các chiến sỹ Điện Biên Phủ. Buổi tối bà ngồi cặm cụi kiểm tra từng cái nút áo. Bộ quân phục này rất quen thuộc với bà, dù bà có mấy bộ quân phục mới nhưng bà chỉ thích mặc bộ quân phục này vì bà bảo đây là áo bộ đội Cụ Hồ, bà đã mặc từ ngày còn trẻ, đến khi về nghỉ hưu bà vẫn giữ và mặc cho đến tận bây giờ. Trong giọng nói của bà có sự trìu mến và ấm áp khi nhắc đến áo bộ đội Cụ Hồ.
Tay của bà nhăn nheo vuốt từng nếp áo nếp quần đã bạc màu. Bà sờ vuốt từng đường chỉ, từng cái cúc áo, vừa làm bà vừa nói chuyện như với một người bạn già vẫn hay cùng bà trò chuyện bên hè. Mình nói bà để cháu là cho phẳng thì bà bảo để bà kiểm tra xem đường chỉ có bị mục không rồi bà mang bộ huân huy chương ra đeo vào áo. Mình chẳng biết cái nào với cái nào vì thấy cứ vuông vuông tròn tròn giống nhau. Bà chỉ đây là huy hiệu chiến sỹ Điện Biên, đây là huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,  đây là Huân chương Chiến công, là Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, rất rất nhiều mà mình không nhớ hết được, chỉ biết khi bà ghim hết lên áo thì cả ngực áo của bà là màu đỏ tươi. Bà vừa làm vừa nói chuyện, khuôn mặt của bà rạng rỡ, bà kể chuyện ngày xưa như mới hôm qua thôi. Dường như chuyện kể của bà là cả một dòng thời gian, cả dòng ký ức sống động năm nào đang dội về. Đã sang tuổi 85, nhưng bà còn minh mẫn lắm. Trong câu chuyện của bà cũng có cả sự bùi ngùi khi nhắc đến những người bạn chiến đấu năm xưa nay người còn người mất. Mình kể ra đây những câu chuyện của bà, người đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc với dấu ấn lịch sử Điện Biên Phủ, nơi bà đã sống và làm việc hết mình và đã gặp ông nội khi đang chiến đấu (mình hay trêu là bà đã gặp tình yêu đích thực của cuộc đời bà).
Con cháu nghe bà kể chuyện Điện Biên

Quê bà là làng Cam Giá, xã Ninh Khánh, huyện Gia Khánh nay là phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, xưa kia là vùng chiêm trũng nghèo khó, chỉ được biết đến với đình làng Cam Giá, còn được gọi là đình Voi đá Ngựa đá. Bà mồ côi mẹ từ rất sớm và đã cùng cụ ngoại chèo lái gia đình. Bà rất ít khi kể về thời tuổi trẻ của bà khi ở quê vì bà cũng có trắc trở. Bà chỉ hay kể về những câu chuyện thời thơ ấu và về cụ ngoại, về những món ăn dân dã nhưng đã được cụ ngoại chế biến rất khéo léo, nên trong làng ngoài xã có việc đều mời cụ ra đình nấu nướng. Bà có cái chăm chỉ tảo tần của người con gái sớm phải vất vả lo toan và cái khéo léo, giỏi thu vén của cụ ngoại. Nhờ đó mà bà đã nổi tiếng toàn mặt trận Điện Biên Phủ về tài bếp núc (chuyện này mình sẽ kể sau).
Bà làm du kích xã từ hồi đôi tám, đến năm 22 tuổi bà đã được tổ chức phân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình năm 1952,  bà vào luôn đội DT3 sau đó chuyển tên thành Đội điều trị 3 (tiền thân của Bệnh viện 103 bây giờ). Bà rất tự hào vì là một trong những người đầu tiên của DT3. Chiến dịch Hòa Bình rất gian khổ, đến nỗi sau chiến dịch rất nhiều du kích đã không có sức để theo các chiến dịch tiếp theo nên đã về lại quê nhà làm nông. Bạn của bà sau này gặp bà đã nói là ngày xưa không chịu được gian khổ nên về quê làm ruộng, thấy bà là cán bộ, đi thoát ly làm “người nhà nước” thì cứ xuýt xoa hối tiếc mãi. Tiếp sau đó bà đi nuôi hàng binh, tù binh của địch tận Hà Giang, Tuyên Quang. Bà kể ngày 2.9 trao trả tù binh, mỗi tù binh được tặng 1 huy hiệu Bác Hồ và một chiếc khăn tay thêu chim bồ câu hòa bình, mọi tù binh đều rất cảm động. Ngay sau đó bà được điều động đi nhận “nhiệm vụ đặc biệt”.
Ngày đó bà cũng không biết là nhiệm vụ gì, chỉ biết tổ chức điều động là lên đường. Đi được nửa đường thì được thông báo là đi tham gia chiến dịch Trần Đình, đến khi lên Điện Biên Phủ bà mới biết chiến dịch Trần Đình là chiến dịch Biện Biên Phủ. Đường đi từ Yên Bái lên Điện Biên Phủ bà đi bộ đúng 1 tháng với rất nhiều gian nan, vất vả, đêm đi ngày nghỉ, hoặc ngày đi thì phải luồn rừng, luồn khe để tránh máy bay địch. Lương thực thì mỗi người có một bao tượng đựng khoảng 5-6kg gạo, hết gạo mà chưa gặp binh trạm thì phải ăn rau rừng để dành gạo nấu cháo cho thương binh. Dù khó khăn thiếu thốn nhưng bà và đồng đội không ai tơ hào gì của đồng bào dân tộc mặc dù đôi khi gặp bên đường nương ngô, nương lúa của dân. Thỉnh thoảng may lắm không phải ngủ rừng vì được ngủ nhờ nhà dân thì mọi người lại cùng nhau ca hát ở dưới nhà sàn (người dân tộc không cho hát trên nhà vì sợ gọi con ma đến).  Bạn của bà cũng có rất nhiều người bị tụt lại, do không đi rừng quen chân bị nứt nẻ, toác máu, phải đi cùng đoàn thu dung. Còn bà dù nhỏ bé nhưng vẫn theo kịp đoàn quân, vào trận địa đúng hạn. Bà kể, đến chân đèo Pha Đin thấy đèn nhấp nháy trên cao, hỏi chỉ huy mới biết là đèn xe chở lương, chở pháo trên đỉnh đèo. Bà đi mất đúng 1 ngày mới đi hết đèo Pha Đin. Nói chung là cuộc hành quân đó vô cùng vất vả.

Bà, năm 1958

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà làm cô nuôi ở đội Trọng thương, ngày đó Đội điều trị 3 chia thành 3 đội là Trọng thương, Trung thương và Khinh thương. Bà bảo, đội Trọng thương toàn thương binh nặng vào đầu vào ổ bụng, thương binh toàn ăn nước cháo. Hàng ngày bà nấu cháo cho bộ đội mà thức ăn cũng chẳng có gì ngoài thịt trâu khô ở hậu phương chuyển lên, mắm kem từ Thanh Hóa chuyển vào. Bà phải đi tìm rau muống chua, rau dớn, rau tàu bay để bổ sung thức ăn và vitamin cho thương binh, cũng như cho đội viên. Ngày đó, gạo nuôi quân chủ yếu là gạo của đồng bào dân tộc Mường vùng Tây Bắc, nửa giống gạo nếp, nửa giống gạo tẻ. Nấu cơm bằng gạo đó không dễ, cơm lúc sống lúc khê, thương binh ăn không nổi. Bà nghĩ ra cách cho gạo vào túi vải ngâm qua đêm dưới suối, sáng hôm sau lót lá chuối vào cái sảo lớn, lấy bùn đất trét kín thành cái chõ đồ xôi. Thỉnh thoảng được cấp đậu xanh, bà đồ xôi nếp đậu. Xôi bà nấu khéo và ngon, thương binh ở đội khác cũng sang xin. Với thương binh nặng không ăn cơm được, không có sữa cho anh em uống, bà Vấn nấu cháo thật nhuyễn, cho cháo vào túi vải, dùng đôi đũa cả kẹp chặt lấy nước cháo thương binh. Kể lại thì dễ, nhưng làm được những việc đó là cả một kỳ công, chưa kể phải nấu nướng bằng bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến độc đáo của bộ đội ta, có tác dụng làm tan loãng khói bếp, tránh bị địch phát hiện. Bà kể, lơ mơ để dù chỉ một chút khói là đà trên lá cây, sẽ bị đồng chí phòng gian đi kiểm tra dội nước dập tắt bếp, đã không hoàn thành nhiệm vụ lại còn bị kỷ luật.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của bà là hai lần bị bom suýt chết, vì nơi đóng quân của DT3 cũng thường bị máy bay Pháp thả bom, bắn phá. Một lần, bà đang đi tìm hái rau bên bờ suối thì máy bay Pháp thả bom, mảnh bom găm ngay cạnh người bà. Một lần khác, vừa nghe thấy tiếng máy bay, bà vội nhảy xuống hầm cá nhân, bom nổ, mảnh bom cắm vào nơi bà vừa đứng. Tuy nhiên, bà và đồng đội cũng có những giờ phút thảnh thơi ở chiến trường. Về đêm, khi công việc đã xong, họ trèo lên nóc hầm nhìn xuống thung lũng Điện Biên Phủ, thấy pháo sáng địch bắn sáng rực, máy bay địch bay như châu chấu, thả dù đồ tiếp viện cho quân của De Castries đang bị bao vây. Nhìn vui mắt lắm, nhưng bà và các bạn chỉ dám xem trộm, vì chỉ huy biết sẽ mắng đuổi xuống vì sợ trúng đạn pháo địch.
Bà kể chuyện nuôi thương binh ở Điện Biên Phủ trong một chương trình của VTV1 dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004
Rồi một ngày toàn mặt trận thưa dần tiếng súng, đến chiều thì tin thắng trận truyền về. Bác sĩ, cấp dưỡng, thương binh ở DT3 mừng vui ôm nhau, reo hò ca hát mà nước mắt cứ chảy ra. Bà gặp ông, người bạn đời của bà trong những ngày như thế. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trung đội trưởng pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiền thân của Sư đoàn Phòng không 367 hiện nay. Ông bị sốt rét, phải điều trị tại DT3. Tại đây, người trung đội trưởng có giọng hát trống quân rất hay đã làm quen với người nữ cấp dưỡng đảm đang, chu đáo. Hai chiến sĩ Điện Biên đã cùng nhau đi qua những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để nuôi 7 người con trưởng thành.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bà vẫn làm cấp dưỡng tại Viện Quân y 103 cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

                                                                         VINH HOA

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai