Có nguy hiểm cho xã hội không?

          Ngày 9/7, trong phiên tòa phúc thẩm (lần 2) vụ 5 công an dùng nhục hình gây nên cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (Hòa Đồng, Tây Hòa, Phú Yên) ngày 13/5/2012, LS Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) về 3 tội, trong đó có tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
          Tranh luận với LS Đôn, kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố tại phiên tòa thừa nhận, việc bắt giữ anh Kiều khi chưa có lệnh bắt, chưa có chuẩn y của VKSND là có dấu hiệu của tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Nhưng kiểm sát viên Tám cho rằng, bắt giữ Ngô Thanh Kiều là đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nên VKSND xét thấy không cần xử lý hình sự, mà xử lý bằng biện pháp khác. Việc cấp sơ thẩm không khởi tố ông Hoàn và một số người liên quan về tội “bắt giữ người trái pháp luật” trong vụ bắt giữ Ngô Thanh Kiều là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc bắt giữ anh Ngô Thanh Kiều trái pháp luật có gây huy hiểm cho xã hội không? Điều 123, Bộ luật Hình sự quy định về tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 123 được đặt trong Chương XIII của Bộ luật Hình sự, chương về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, các nhà làm luật Việt Namđã khẳng định, hành vi bắt giữ người trái pháp luật là gây nguy hiểm cho xã hội. Nhớ lại, cuối tháng 4/2014, Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 nhân viên siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê về tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, do ngày 10/4/2014 những người này đã giữ và dùng băng dính trói hai tay một nữ sinh lớp 7, khi biết em này lấy hai cuốn truyện tranh trong siêu thị. 
Ngày 28/3/2014, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Ngô Thanh Kiều, Tòa đã công bố lời khai ngày 18/12/2012 của ông Lê Đức Hoàn với điều tra viên của VKSND Tối cao. Trong lời khai, ông Hoàn nói, sáng 13/5/2012 ông thấy anh Kiều bị còng tay ra sau ghế khi đang bị xét hỏi. “Theo quy định của ngành công an và pháp luật thì việc còng tay Kiều đưa về trụ sở công an làm việc là sai, nhưng tôi thấy trong trường hợp này cũng cần thiết, để đề phòng Kiều manh động, chống trả lực lượng công an hoặc tự sát”. Ông Hoàn khai. Như vậy, chính ông Hoàn cũng thấy, việc bắt giữ anh Kiều trái pháp luật có thể dẫn đến hậu quả xấu.
“Từ việc bắt giữ đó, anh Kiều đã thiệt mạng, hậu quả rất nghiêm trọng, sao ông đại diện VKSND lại nói không nguy hiểm cho xã hội”. LS Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên nói.

Nếu nhiều người làm ở ngành tòa án, viện kiểm sát có suy nghĩ, lập luận như kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, có nguy hiểm cho xã hội không? 

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai