Vụ án Huỳnh Văn Nén: Nhân danh người cha

           “Tôi luôn luôn tin thằng Nén bị oan, vì tôi là cha, tôi biết lòng dạ con tôi, nó không có gan giết người”. Cụ Huỳnh Văn Truyện nói về 14 năm đi kêu oan cho con trai cụ, ông Huỳnh Văn Nén.

          Trời nhá nhem tối, ông Lê Minh Quân, con rể cụ Huỳnh Văn Truyện chở tôi bằng xe máy từ thành phố Cà Mau về đến nhà cụ Truyện ở ấp 4, xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau). Vừa hồi phục sau một cơn bệnh, sắc vóc kém nhiều so với lần ghé nhà tôi trong chuyến đi kêu oan cho con trai, tháng 11/2013, nhưng cụ Truyện vẫn bắt “hai thằng Quân” ngồi uống với cụ hết hai xị rượu. Năm nay đã sang tuổi 90, nhưng cụ vẫn nhớ rõ mọi bước đường gập ghềnh trong hành trình kêu oan cho con trai cụ.
 Cụ Huỳnh Văn Truyện đọc các bài báo Tiền Phong lật lại vụ án Huỳnh Văn Nén

Không được giúp kháng án 
Ngày 31/8/2000, sau phiên xét xử sơ thẩm gói gọn trong một buổi sáng, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội giết bà Lê Thị Bông. Ngày 11/9/2000, cụ Truyện đến Trại tạm giam, Công an tỉnh Bình Thuận xin được thăm ông Nén, nhưng bị từ chối. Sau đó, cụ Truyện nghe tin anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo thủ phạm giết bà Bông không phải là ông Nén. Ngày 15/9/2000, ngày cuối cùng trong thời hạn kháng án của ông Nén, cụ Truyện tìm đến LS X, người được TAND tỉnh Bình Thuận chỉ định bào chữa cho ông Nén tại phiên tòa sơ thẩm, đề nghị LS giúp ông Nén làm đơn kháng án. Trớ trêu thay, bà LS X nói ông Nén đáng phạt tử hình, được chung thân là may rồi, còn khiếu nại, kêu oan gì nữa. “Bà luật sư kêu trời ơi với tôi, tôi kêu trời ơi với bà luật sư, rồi lại chạy tới Trại tạm giam, Công an Bình Thuận”. Cụ Truyện kể. Tại Trại tạm giam, cụ Truyện xin gặp Giám thị Trại, để trình bày việc làm đơn kháng án của ông Nén. Nhưng cán bộ trực ban Trại tạm giam không báo cho Giám thị, nói rằng án chung thân cho ông Nén là phù hợp rồi. “Lúc đó, hy vọng cho con tôi được xét xử phúc thẩm đã tiêu tan, tôi suy sụp về tinh thần và sức khỏe, nhưng nghĩ thằng Nén còn vướng vụ án vườn điều nữa, nên gắng đi mời luật sư cho nó”. Cụ Truyện kể.
Ông Nén ở ngoài cùng bên phải, cùng các bị cáo khác trong phiên xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, ngày 14/6/2001

Trong phiên sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”, gia đình các bị cáo mời LS Nguyễn Hồng Hà, Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho họ. Riêng bị cáo Huỳnh Văn Nén, dù là rể của đại gia đình các bị cáo nhưng không được họ mời LS bào chữa, vì họ ghét ông Nén khai các bị cáo là thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ. Cụ Truyện mời một LS thuộc Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho ông Nén. Nhưng ngày 5/12/2000, TAND tỉnh Bình Thuận có văn bản cho biết, TAND tỉnh Bình Thuận đã mời LS Lê Trung Quân, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận bào chữa cho ông Nén, ông Nén chỉ chấp nhận LS do Tòa chỉ định, không chấp nhận LS do cha mình mời. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều’, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén 6 năm tù về tội giết người.

Không tắt lòng tin vào công lý

  Năm 2006, sau khi ‘vụ án vườn điều’ được kết luận là vụ án oan sai,   Cụ Truyện tiếp tục gửi đơn kêu oan cho ông Nén trong vụ bà Lê Thị Bông đến các cơ quan pháp luật và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước… Tháng 10/2007, cụ cầm cố 5 công ruộng, cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho con. Tháng 11/2013, cụ cầm cố nốt 6 công ruộng còn lại được 20 triệu đồng, lại cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội kêu oan cho ông Nén. “Tôi đã kêu oan biết bao nhiêu lần, mà họ không nói gì hết, không trả lời gì hết. Lần này tôi đưa đơn lên Chủ tịch nước. Tôi đến đó, như là đến với mặt trời mà không được nữa sao? Tôi có hy vọng chớ. Dù mỗi lần đi tốn hai ba chục triệu đồng, dù bò lăn bò lóc, dù sao đi nữa tôi vẫn phải đi kêu oan. Tôi có lòng tin, là con tôi bị oan”.
Cụ Huỳnh Văn Truyện bên mảnh ruộng cụ đã cầm cố, để có tiền đi kêu oan cho ông Nén

Đêm 26/9, tôi ngủ lại nhà cụ Truyện. Sáng hôm sau, trời chưa sáng rõ mặt người đã thấy cụ dậy. Cụ bảo, cả đêm khó ngủ, mừng vì nghe tin VKSND Tối cao kháng nghị hủy án vụ ông Nén, mà vẫn lo. “Nếu hủy án rồi giao tòa án tỉnh Bình Thuận xét xử lại, họ có xử công minh không, vì trước kia họ đã làm sai rồi? Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, tôi không đồng ý. Theo tôi, hồ sơ chứng lý oan sai vụ này đã đầy đủ rồi, đã sáng rõ như ban ngày rồi, Tòa Tối cao phải ra quyết định trắng án cho con tôi, ra quyết định thả con tôi”. Cụ Truyện nói, rồi dẫn tôi ra mộ cụ bà Đặng Thị Hường, ở mảnh vườn cạnh nhà. Bên mộ người bạn đời của mình, mới mất cách nay 6 tháng, hưởng thọ 85 tuổi, cụ Truyện kể, mỗi lần cụ cầm cố đất để đi kêu oan cho con trai, đều được cụ bà đồng ý. “Cái thân già tôi còn không tiếc, bả tiếc gì công ruộng”. Cụ Truyện dự định, nếu ông Nén được kết luận bị oan và được đền bù oan sai, cụ sẽ chuộc lại đất đã cầm cố, giao cho ông Nén và em trai út của ông Nén là Huỳnh Văn Út. Bây giờ, ruộng đất ở xã Thới Bình luân canh tôm – lúa có thu nhập khá ổn định, với 11 công đất, anh em dựa vào nhau làm ăn, cuộc sống sẽ ổn. “Bà nhà tôi chết, nhắm mà không thấy mặt con của bả, máu thịt của bả. Nếu sớm minh oan được cho thằng Nén, đón nó về đây, rồi tôi đi theo bả là thỏa nguyện rồi”.      


 Cụ Huỳnh Văn Truyện (thứ ba từ trái sang) tại nhà Thiềm Thừ, trong chuyến đi kêu oan cho ông Nén, tháng 10/2007 

Hơn 14 năm qua, tôi bị ám ảnh về vụ này. Bản án chung thân cho ông Nén có oan sai không, tố cáo của Nguyễn Phúc Thành có đáng tin cậy không, thực sự thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là ai? Cụ Truyện 14 năm đi kêu oan cho con trai, bản thân tôi là một cán bộ, đảng viên, không có bà con dòng họ gì với ông Nén, mà cũng chừng ấy năm tôi làm tờ trình, tôi cùng cụ Truyện đi kiến nghị làm rõ vụ bà Bông, tôi có đùa với lương tâm của tôi đâu, có đùa với lương tâm của những người có trách nhiệm đâu. Những chứng cứ kết tội ông Nén chưa thuyết phục, trong khi những tình tiết mới không được làm rõ, nên bản án tù chung thân cho ông Nén chưa làm cho tôi và người dân Tân Minh thấy thuyết phục, mà thấy có điều gì đó không bình thường. Phải chăng, việc chứng minh ông Nén vô tội sẽ lại là sự buộc tội ai đó đã làm sai, nên mới có sự không bình thường mười mấy năm nay?     
Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân

Ngày 25/3/2006, hai con gái của bà Lê Thị Bông là chị Phạm Thị Hường và chị Phạm Thị Hồng có đơn gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, yêu cầu làm rõ thủ phạm giết bà Bông. Hai chị không phục bản án phạt tù chung thân ông Nén, không tin một mình ông Nén có thể giết bà Bông, vì ông Nén ốm yếu, say rượu, còn bà Bông to cao, khỏe mạnh. Mặt khác, hiện trường có hai loại dấu chân khác nhau, tức là có hai đồng thủ phạm. Theo hai chị, các cơ quan pháp luật Trung ương cần điều tra, xét xử lại vụ án này, làm sao cho kẻ bị buộc tội, gia đình người bị hại và dư luận địa phương tâm phục khẩu phục, để thực sự rửa hận cho mẹ của hai chị.
Ngày 28/9, tôi đã tìm đến nhà bà Bông ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) để gặp lại chị Hồng và chị Hường. Nhưng rất tiếc, người  dân ở đây cho biết, hai chị đã bán nhà này, chuyển đi sống ở xã khác.   

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai