Cô giáo của tôi

Đăng lại một bài viết từ năm 2009, thay lời chúc các thầy cô giáo

Cô giáo vỡ lòng
Lần đầu tiên đi học, cách đây đã hơn 40 năm. Hình như trước đó có đi nhà trẻ, nhưng chả nhớ tẹo nào. Chỉ nghe bác Cả kể, mình thường đứng bám song cửa sổ lớp gọi ra, bác Cả ơi Thiềm Thừ này! Chưa kịp lên mẫu giáo thì Mỹ ném bom miền Bắc, thế là anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, ta lên đường đi sơ tán tèn ten tén ten… Bài hát nguyên bản chả nhớ, chỉ nhớ bản xuyên tạc!
Sơ tán lần thứ nhất 4 năm, có về quê nội Văn Giang một dạo, nhưng chủ yếu ở huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xóm Thanh Giang xã Cao Viên, làng nón Chuông, các làng Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ, Thanh Thần xã Thanh Cao đều từng sơ tán tới. Ở Thanh Cao có đầm Thượng Thanh từng được giới thiệu và có ảnh trong sách giáo khoa địa lý, biết bơi do theo lũ bạn đi tắm ở đó. Khi đi học Vỡ lòng, đang ở Cao Mật Thượng. Nhớ, nhà mình ở cạnh khoa phẫu thuật của Viện quân y 103, ngày ấy cứ nghe gọi là phòng mổ, gần nhà thờ Cao Mật Thượng. 
Lớp vỡ lòng cũng gần nhà, cạnh nhà thờ. Sau này lớn chút nữa thì biết, nhà thờ là nơi an toàn, ít bị bỏ bom. Nhớ có mấy lần trốn học lủi vào nhà thờ xem các chị tập múa tập hát, nến trên tay, mắt long lanh. Rồi lần ông cha cố ở Thạch Bích về nhà thờ Cao Mật, thấy người lớn cung kính đón chiếc ô tô tiến vào sân nhà thờ, cũng cố chui lên trước. Lúc một ông áo đen, to cao, béo trắng trên ô tô bước xuống, vừa mong ông ấy nhìn mình, vừa sợ. Nhưng ông không nhìn…
Mang máng nhớ là lớp chỉ có khoảng mươi đứa, tường đất đắp dày để ngăn mảnh bom đạn. Không nhớ sách bút hồi đó có những gì, nhưng không có cặp, chỉ có chiếc bút chì, không có được một mẩu bánh mì con con như mèo con Vàng Anh (chính xác là nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, không phải Hoàng Thuỳ Vàng Anh)! Cũng chẳng còn nhớ bảng, phấn ra sao, nhưng chắc rất tệ, vì đến năm học lớp 4 cả lớp vẫn dùng những chiếc bảng gỗ quét hắc ín, dùng được vài tháng là hết đen vì bị phấn mài mòn, những viên phấn rắn như sỏi. Ngoài o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà có râu…, không còn nhớ lắm về những gì được học ở lớp vỡ lòng. Hình như chỉ học có vài tháng. 
Chỉ nhớ những câu hát như anh lết đôi giày chuột khoét, em xách đôi dép tuột quai, bé bé bằng rơm, hai tay bằng sắt hai chân bằng chì…, đi chăn bò, cầm cái roi đằng sau, bò không đi em lấy cái roi em…. Hát theo lũ bạn, theo các anh các chị, chứ cô giáo nào dạy xuyên tạc nhảm nhí thế. 
Trong trí nhớ, cô giáo vỡ lòng của mình còn trẻ, hiền và xinh. Vì cô trẻ, hiền và xinh nên mới dám và muốn lấy le với cô.
Chiều đó bố về, hút thuốc lá rồi quăng mẩu thuốc cháy dở ở góc sân. Tự nhiên ông con lại nổi tò mò, thử hút thuốc xem sao? Len lén nhặt mẩu thuốc phóng ra ngoài đường làng, chỗ cổng nhà thờ. Chợt thấy cô giáo đang gánh lúa về. Thế là ông cóc con ra đứng dang chân giữa đường, tay chống nạnh, miệng ngậm mẩu thuốc chặn đường cô giáo. Oai hùng lắm! Cô cười, khi đến gần cô hạ gánh lúa xuống, cầm mẩu thuốc vứt đi rồi bảo, còn hút thuốc nữa là cô mách bố mẹ đấy. Đó là kỷ niệm còn nhớ rõ nhất về cô giáo vỡ lòng. 
Nếu hồi đó có xếp hạnh kiểm, chắc mình bị hạnh kiểm kém?

Cô Hoàng Dân Hiên
Hồi xưa học cấp 3 Nguyễn Huệ ở Hà Đông, cô Hoàng Dân Hiên làm chủ nhiệm cả 3 năm, cô dạy môn Địa lý. Ba mươi năm rồi, vẫn nhớ cô Kim dạy Văn, cô Đính dạy Toán, cô Ly dạy Tiếng Nga, thầy Thịnh dạy thể dục, dạy Sử là thầy Nguyễn Vĩnh Thạnh, người dòng hoàng tộc, cùng đế hệ với vua Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thuỵ… Các thầy cô, dù khó tính hay dễ tính – theo cách nhận xét của học trò - đều tận tình với học sinh. 
Nhớ có lần mùa đông, hơn 3 giờ chiều tôi còn trùm chăn nằm co ro. Nhưng trong lúc trời rét mướt đó, cô Hiên đi xe đạp đến thăm nhà tôi, nhà thằng Lân, thằng Hùng… để kiểm tra việc học hành. Nhớ có lần trong giờ ra chơi, tôi đùa nghịch làm vỡ kính cửa sổ. Tiết sinh hoạt lớp tuần đó, cô Hiên không phê bình nhiều về chuyện đùa nghịch làm vỡ kính, mà tỏ ý không vui vì tôi không tự giác làm bản kiểm điểm và thay lại miếng kính bị vỡ…
Có những tiết sinh hoạt lớp, cô Hiên dành phần lớn thời gian đọc sách cho cả lớp nghe. Nhớ nhất là cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, hình như ngày đó phiên âm là Ét-môn-đô Đờ A-mi-xi. Mỗi tuần một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, thầy trò, tình bạn, yêu quê hương, đồng cảm với những người bất hạnh… Trong đó có câu chuyện về con trai một nhân viên đường sắt. 
Để nuôi gia đình, ông bố phải làm thêm ban đêm cho một nhà phát hành bằng cách viết tên và địa chỉ những người mua dài hạn sách báo của họ. Thương bố, cậu con trai đầu Giu-li-ô cứ đợi đến nửa đêm, khi bố đi ngủ là cậu lén dậy viết thay bố, vì chữ viết của hai bố con rất giống nhau. Ông bố được trả thêm nhiều tiền, vui vì tưởng mình viết nhanh hơn trước. Trong khi đó, Giu-li-ô vì thức đêm viết giúp bố nên phờ phạc, học hành sút kém. Ông bố ngày càng thất vọng về đứa con. Nhiều lúc bị mắng, Giu-li-ô định thú thật với bố, định thôi không viết nữa. Nhưng cứ khi chuông điểm nửa đêm, cậu ta lại dậy, tiếp tục âm thầm với giấy bút. Bốn tháng trôi qua… 
Cho đến một hôm, bà mẹ thấy con trai xanh xao ốm yếu, lo lắng nói với chồng. Nhưng ông bố xẵng giọng, nó khoẻ ốm chẳng ảnh hưởng đến ông! Câu nói của bố khiến Giu-li-ô tê dại, như có mũi dao đâm thẳng vào tim cậu. Giu-li-ô quyết bỏ hẳn việc viết ban đêm, để lại học giỏi như trước, để lại được bố thương yêu như trước. Đêm đó, cậu vào phòng viết, chỉ để có lại lần cuối cảm giác một mình, âm thầm trong đêm khuya. Nhưng khi đèn đã thắp lên, những băng giấy trước mặt, cậu lại cặm cụi viết… Tiếng động do Giu-li-ô làm rơi sách đã khiến ông bố thức dậy, và hiểu hết. Ông bố ôm lấy con trai, mái tóc bạc kề trên mái tóc đen, nước mắt hoà vào nước mắt… 
Cô Hiên đã khóc khi đọc câu chuyện đó, và nhiều đứa chúng tôi cũng khóc. 

Nhân 20 Tháng 11, soạn hai entry cũ thành entry mới. Tình cờ nhận ra, hai entry từng viết về các thầy cô giáo lại là hai bài viết về cô giáo chủ nhiệm đầu tiên và cô giáo chủ nhiệm cuối cùng. Thật may mắn, hạnh phúc khi kỷ niệm về hai cô đều là kỷ niệm đẹp!  

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai