Trung Quốc nôn nóng kiểm soát Biển Đông
Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa không chỉ để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), mà nhằm sớm kiểm soát toàn diện, trên thực tế toàn bộ Biển Đông.
Tăng tối đa tốc độ và quy mô bồi đắp
Hình ảnh vệ tinh cuối tháng 4 cho thấy, trên bãi đá Subi đã xuất hiện một bãi bồi đắp dài 3.300m, diện tích khoảng 2,27 km2, tương tự bãi bồi đắp đang được Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo Chữ Thập (2,65km2). Hơn mười tuần trước, ảnh vệ tinh cho thấy trên đá Subi chỉ có hai điểm bồi đắp. Hiện nay, ở đá Subi chưa hình thành một âu tàu lớn và một đường băng như ở đá Chữ Thập, nhưng một luồng vào lòng hồ Subi từ phía Hàng chục tàu Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo và khơi luồng vào lòng hồ ở đá Subi
Đá Vành Khăn cũng đang bị Trung Quốc bồi đắp rất nhanh. Theo hình ảnh vệ tinh ngày 13/4/2015, bãi bồi đắp trên đá Vành Khăn có diện tích khoảng 2,42 km2, trong khi vài tháng trước hầu như không thấy phần nổi nào tại đây. Phần đông bắc của đá Vành Khăn, nơi có vành san hô tương đối thẳng, phù hợp một đường băng dài hơn 3.000 mét đang bị Trung Quốc bồi đắp. Ở phần tây nam của đá Vành Khăn cũng xuất hiện một bãi bồi đắp mới. Chữ Thập, Subi và Vành Khăn là 3 trong số 7 bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo.
Hơn 40 tàu Trung Quốc tham gia bồi đắp đảo nhân tạo ở đá Vành Khăn
Theo báo cáo thường niên do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 8/5/2015, hoạt động bồi đắp các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang gia tăng với tốc độ và quy mô chưa từng có. Hoạt động bồi đắp được Trung Quốc tiến hành từ tháng 1/2014, đến cuối năm 2014 diện tích các bãi bồi đắp là khoảng 200ha. Nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, diện tích này đã tăng thêm 610ha, lên đến 810ha, gấp 400 lần tổng diện tích các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa trước năm 2014. Tại 4 bãi đá là Gạc Ma, Châu Viên, Huy Ghơ, Gaven, Trung Quốc đã chuyển qua giai đoạn xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm cầu cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát…
Đảo nhân tạo ở phía Nam đá Chữ Thập, ảnh vệ tinh ngày 17/4/2015
Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo ở 7 bãi đá mà họ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là Chữ Thập (Fiery Cross), Châu Viên (Cuarteron), Gạc Ma (Johnson South), Gaven, Subi, Hughes, Vành Khăn (Mischief)
Tiến tới kiểm soát toàn diện
Hầu hết các nhà quan sát trên thế giới quan tâm nhiều nhất đến ý nghĩa quân sự trong hoạt động bồi lấp đảo của Trung Quốc. Họ cho rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa sẽ trở thành các căn cứ quân sự, với các trạm giám sát hàng hải, trinh sát điện tử, theo dõi tàu ngầm của các nước khác. Đảo Chữ Thập sẽ trở thành một căn cứ hải quân/không quân lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, với một cảng có thể tiếp nhận những tàu lớn nhất của hải quân Trung Quốc, một đường băng có thể đón hầu hết các loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Những đảo này là tiền đề để Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc thiết lập ADIZ không thể mang lại sự kiểm soát toàn diện vùng biển. Do vậy, Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa không chỉ nhằm thiết lập ADIZ.
Đảo nhân tạo ở đá Gạc Ma
Đảo nhân tạo ở đá Gaven
Đảo nhân tạo ở đá Hughes
Kết cấu chính ở đá Gaven, đá Hughes, đá Gạc Ma tương tự nhau
Đảo nhân tạo ở đá Châu Viên
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, một âu tàu lớn đang được xây dựng ở đảo Chữ Thập, diện tích khoảng 50ha. Với việc nạo vét cát san hô để bồi đắp đảo nhân tạo, lòng hồ phía trong đá Subi và đá Vành Khăn sẽ được làm sâu, trở thành những âu tàu tự nhiên cực lớn (đá Subi có diện tích khoảng 15km2, đá Vành Khăn có diện tích khoảng 46km2). Mỗi âu tàu này có thể chứa hàng nghìn tàu các loại, từ tàu chiến tới tàu cá. Cũng nên nhắc lại, hàng năm báo chí hay nói đến việc “Trung Quốc cho hàng chục nghìn tàu cá xuống Biển Đông”, nhưng thực ra chỉ một phần trong đội tàu này xuống đến ngư trường Trường Sa, phần lớn ở ngư trường các tỉnh Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến của Trung Quốc, cũng thuộc Biển Đông. Khi có những bến cảng, những âu tàu lớn, là những căn cứ hậu cần và tránh trú bão ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ có điều kiện thực sự đưa hàng nghìn tàu cá đến ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và ngư dân một số nước Đông Nam Á. Đi kèm những tàu cá này sẽ là các tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc. Sự hiện diện đông đảo, thường xuyên, liên tục của những loại tàu này và cả tàu chiến sẽ giúp Trung Quốc thực hiện ý đồ kiểm soát trên thực tế, tiến tới xác lập chủ quyền tại vùng biển Trường Sa và các vùng khác ở Biển Đông trong “đường lưỡi bò”. Việc hạ đặt những giàn khoan lớn như giàn khoan Hải Dương 981 tại Trường Sa và vùng phía Nam Biển Đông sẽ trở nên dễ dàng hơn, đối với Trung Quốc.
Một âu tàu lớn đang được xây dựng ở đảo Chữ Thập, diện tích khoảng 50ha
Việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa cũng cần được xem xét trong bối cảnh, Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) có thể đưa ra phán quyết đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines vào đầu năm 2016, đồng thời ASEAN đang thúc giục Trung Quốc sớm cùng ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đẩy nhanh việc các xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa để điều đó thành “chuyện đã rồi” trước khi PCA ra phán quyết. Cho dù phán quyết của PCA có bất lợi cho Trung Quốc, cũng khó thay đổi được hiện trạng mà Trung Quốc đã tạo nên. Và, sẽ chẳng phải là điều quá ngạc nhiên, nếu sau khi hoàn tất việc xây dựng căn cứ ở các đảo nhân tạo nói trên, Trung Quốc sẽ tỏ ra sốt sắng với việc ký kết COC. Khi có những căn cứ lớn ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ cho rằng có thể ở “cửa trên” trong thương lượng COC, buộc các nước khác theo luật chơi mà họ đưa ra. Họ có thể sẵn sàng chấp nhận, thậm chí chủ động đưa vào COC những điều khoản có tính ràng buộc cao, để hạn chế hành động của các nước khác có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.
Đảo Gạc Ma, ảnh Văn Kỳ chụp ngày 28/4
Comments
Post a Comment