Vụ án vườn điều, Huỳnh Văn Nén và án oan kép - Kỳ 3: Những đứa trẻ vườn điều

 “Lũ trẻ vườn điều”, ảnh của cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa, năm 2002       
   “Những đứa trẻ vườn điều” là từ người dân Tân Minh thường dùng để nói về những người con của các bị can trong vụ án vườn điều. Oan sai, tai họa không chỉ giáng xuống cha mẹ họ, mà chính họ cũng phải chịu những mất mát, thiệt thòi, những tổn thương sâu sắc.

Cả ba anh em vướng vòng lao lý

          “Có ai trên đất nước này khổ như tôi không?” Ông Huỳnh Văn Nén nói trong buổi ông được TAND tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai, ngày 3/12. Sau 17 năm 6 tháng 11 ngày oan trái, đến khi được phục hồi danh dự, ông và gia đình vẫn chưa hết nỗi niềm cay đắng.
Năm 1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị nghi giết bà Lê Thị Bông, Huỳnh Thành Phát mới 3 tuổi, anh Phát là Huỳnh Thành Lượng mới 7 tuổi, anh đầu Huỳnh Thành Công 9 tuổi. Vợ ông Nén là bà Nguyễn Thị Cẩm cũng bị khởi tố với tội danh “giết người” trong vụ án vườn điều, không nuôi nổi ba đứa con trong khi bà ngoại và hầu hết cô, cậu, dì ruột của họ cũng bị bắt giam. Anh em Công, Lượng, Phát như những con chim non không tổ. Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc đó (cuối năm 2003 xã Tân Minh được chia tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Đức và xã Tân Phúc) xin Làng trẻ em SOS Gò Vấp nhận nuôi ba con của bà Cẩm cùng 5 đứa trẻ khác trong đại gia đình bà Cẩm.      
Trở về từ Làng SOS trong khi cha vẫn trong nhà tù, mẹ đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con, ba anh em Công, Lượng, Phát học hành dở dang và sớm bị lôi kéo chơi bời lêu lổng. Năm 2008 Công đánh nhau, bị tuyên phạt 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Sắp hết hạn án treo, Công lại vướng vụ khác, án treo thành án giam. Ngày 6/3/2010 bà Cẩm cãi nhau với Th., cháu ông Phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh, bị Th. chém vào đầu, phải khâu 6 mũi. Bênh mẹ, hôm sau Huỳnh Thành Lượng chém vào chân Th., liền bị bắt giam, sau đó bị kết án 2 năm tù. Hiện nay, Công và Lượng đã tu chí làm ăn, đã có vợ. Khi ông Nén được cho tại ngoại, đầu tháng 11 Lượng dã đưa ông Nén đi chữa mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh và đến Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại Thành phố Hồ Chí Minh cảm ơn. Nhưng cậu em út Huỳnh Thành Phát vẫn ham chơi bời, quậy phá, nên có lần Lượng nói với tôi, chuyện nhà Lượng vẫn chông chênh lắm. Cách đây 2 tuần, Phát bị Công an huyện Hàm Tân bắt tạm giam vì tham gia một vụ đánh nhau gây thương tích. 
Anh Huỳnh Thành Lượng khóc khi kể về chuyện nhà mình
Không khá lên được

Trên báo Tiền Phong số ra ngày 2/12, kỳ 2 của loạt bài này đã kể chuyện ông Nguyễn Văn Sơn bật khóc trước phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều ngày 14/6/2001 vì quá uất ức trước tai họa giáng xuống gia đình mình. Hơn 3 tháng sau khi vọ mất vì tai nạn giao thông, ngày 16/12/1998 ông Sơn bị bắt về tội “giết người”, trong vụ án vườn điều. Ba con trai của ông Sơn là Nguyễn Hữu Lợi (SN 1985), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1987), Nguyễn Hữu Lực (SN 1990) bơ vơ không cha không mẹ, bữa đói bữa no. Năm 2002, Lợi và Lực được vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp, còn Lộc được một người bà con nuôi. Lợi vốn học rất giỏi, nhưng khi mẹ mất, cha bị bắt Lợi không chịu học nữa, thỉnh thoảng trốn khỏi Làng SOS.
Cuối năm 2004, ông Sơn mãn hạn 6 năm tù, về lại nhà ở ấp 3 (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai), đón các con về nuôi. Hiện nay Nguyễn Hữu Lợi và vợ đều làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), có một con trai. Nguyễn Hữu Lợi chưa có vợ, phụ nghề lái xe với ông Sơn. Con út ông Sơn là Nguyễn Hữu Lực lấy vợ ở Củ Chi, làm ruộng, bắt cá sống qua ngày, có một con trai và một con gái. “Nếu em không bị oan vụ án vườn điều thì chắc tụi con em học cũng khá lắm đấy. Từ khi mẹ mất, em bị vậy tụi nó không khá lên được nữa”. Ông Sơn ngậm ngùi nói với tôi trong buổi các cơ quan pháp luật công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén, sáng ngày 3/12.  
Trần Thanh Vân là con của hai bị can trong vụ án vườn điều, là bà Nguyễn Thị Nhung và ông Trần Văn Sáng (cha dượng của Vân). Bản thân Vân và anh ruột là Trần Thanh An cũng bị khởi tố, bị bắt giam về tội “giết người” trong vụ án này, dù Vân sinh năm 1979, năm 1993 khi xảy ra vụ án vườn điều chưa đủ 14 tuổi, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Bị giam gần 10 tháng, đến ngày 20/6/2000 Vân được thả sau khi LS Nguyễn Hồng Hà phát hiện việc khởi tố, bắt giam Vân là trái pháp luật. Mẹ Vân, bà Nguyễn Thị Nhung bị chết ngày 24/2/2001 do bệnh hiểm nghèo nhưng đến nay vẫn chưa chính thức được tuyên vô tội và được đền bù oan sai. Vân đã lấy vợ và có hai con trai, nhưng mới đây gia đình tan vỡ, vợ Vân đi lấy chồng khác, mang theo con trai lớn Trần Đình Khang, 13 tuổi. Vân không có công việc ổn định, sống cùng con trai nhỏ là Trần Vũ Hải, 12 tuổi. “Nói chung hoàn cảnh thiếu mẹ thì không gì tả nổi, giờ lớn nó cũng nguôi ngoai rồi chứ thời đó không tả nổi”. Anh Vân buồn bã nói.
Cha con côi cút Trần Thanh Vân
Trong “những đứa trẻ vườn điều”, 3 con trai của bà Nguyễn Thị Tiến, em út ông Sơn được học hành nhiều nhất. Nhưng hiện nay, không có ai trong số họ sống với bà Tiến. Đầu năm 2000 khi bà Tiến bị bắt giam, ba con trai của bà là Vương Quốc Dũng, Vương Quốc Trí, Vương Quốc Minh mới 10 tuổi, 9 tuổi và 7 tuổi. Chồng bà Tiến bỏ đi lấy vợ khác.  Năm 2002, ba con của bà Tiến được đưa vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Quốc Trí được một người ở Làng SOS Gò Vấp nhận làm con nuôi, nay làm hướng dẫn viên du lịch. Con út Quốc Minh đã tốt nghiệp ngành khoa học xã hội một trường đại học, nhưng chưa đi làm, và vẫn đang ở Làng SOS Gò Vấp. Quốc Dũng hiện sống với cha.

“Ước mơ con muốn làm luật sư”

          “Khi ba con bị bắt oan, chị em con thiếu vắng cha mẹ, lại thấy luật sư giúp đỡ người bị oan nên trong tâm trí con có suy nghĩ làm luật sư”. Nguyễn Mỹ Dung, con gái ông Nguyễn Văn Tiền, người bị giam 6 năm trong vụ án vườn điều nói với tôi từ Vạn Giã (Khánh Hòa) qua điện thoại. Năm 1998, khi ông Tiền bị bắt, Mỹ Dung 7 tuổi, em trai Dung là Văn Vàng 6 tuổi. Đầu năm 1999, mẹ Dung dắt díu hai con về huyện miền núi Quế Sơn (Quảng Nam). “Con ở với ngoại, học lớp 2, lớp 3, đi làm ruộng, chăn trâu, đến khi đang học lớp 4 thì mẹ bỏ đi, chị em con về lại Tân Minh, cô Lụa (bà Nguyễn Thị Lụa, chị ông Tiền) nuôi”. Dung kể. Lúc đó bà Lụa phải nuôi 5 “đứa trẻ vụ án vườn điều” nữa, không kham nổi nên nhờ ông Nguyễn Thận giúp đưa chúng vào Làng SOS Gò Vấp. Năm 2005, sau khi ông Tiền mãn hạn tù, chị em Dung được ba đón về. Học hết lớp 9 thì Dung nghỉ, đi học nghề tóc, năm 2009 lấp gia đình, chồng ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), làm phụ xe chở hàng. Mới đây, Dung cùng con trai 6 tuổi ra sống ở thị trấn Vạn Giã (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
          “Kỷ niệm buồn nhất của con là lúc ra tòa. Chị em con nhớ ba mà mấy người không cho gặp ba con. Bữa tòa xử (phiên tòa phúc thẩm lần 1 vụ án vườn điều, ngày 14/6/2001), tụi con đến tòa. Lúc xe tù chạy qua cổng, ba có cố đưa mặt ra nhìn, mà xe chạy nhanh, con chỉ nhìn lướt qua, không thấy rõ. Sau này có cô luật sư Phạm Thị Kim Anh đứng ra nói, con mới được vô. Con đứng ở phía sau, rồi con với em con lén đi ra bên hông, lên nhìn mặt ba. Ba cố nhìn chúng con, mà mấy chú cảnh sát dùng roi điện chích vô người ba, không cho nhìn. Đó là lần duy nhất con được nhìn thấy ba, trong 6 năm ba con bị giam”. Trong khi kể chuyện với tôi, Dung hay phải ngưng lại vì khóc. Dung kể, lúc đó cô muốn lên đứng trước tòa nói một câu. “Con muốn nói là gia đình con bị oan, sao lại đối xử với gia đình con như vậy, nhưng con bị đuổi ra, không có cơ hội để nói”                                                                                                                                                          Nguyễn Đình Quân 

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai