Một thời lênh láng
Nàng chỉ thấy ta làm thịt chó
Đâu thấy hồn thi sĩ trong ta
Tay quạt lửa mà đầu vẫn nghĩ
Cho vần thơ lênh láng chảy ra…
Hôm rồi có bạn dẫn lại mấy câu thơ trên, làm tôi nhớ ra một bài dự cuộc thi "Cây bút biếm" của báo Tuổi Trẻ Cười. May còn giữ được tờ TTC số tháng 9/1994, có đăng bài đó.
Chuyện Phố Tôi
Ngày tôi còn nhỏ, phố tôi là một con đường lổn nhổn đá ở ngoại vi thành phố, hai bên phần lớn là các cơ quan, xí nghiệp và khu tập thể. Thời đó là thời của tem phiếu, khi cửa hàng mậu dịch bán đậu thì mọi nhà đều ăn đậu, cửa hàng bán cá biển thì cả khu tanh nồng mùi cá biển… Có khi thực phẩm cửa hàng bị ôi thiu, thế là sau bữa ăn cả khu theo nhau xách quần chạy ra nhà xí! Khổ nỗi, cả khu tập thể chỉ có một dãy nhà xí với vài khoang, nên lúc đó người ta phải xếp hàng, phải chen lấn. Bọn nhóc chúng tôi thuộc lòng mấy câu thơ, không biết do ai xuyên tạc:
Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu, một buổi chiều
Chàng, nàng chạm trán nơi… nhà xí
Nhường nhau… “đi” trước, thế là yêu!
Lớn lên tôi đi học xa, đi làm xa, rồi lấy vợ ở xa, lâu lâu mới về thăm bố mẹ một lần. Mấy năm gần đây, mỗi lần về thăm lại thấy phố tôi có nhiều thay đổi. Con đường nay đã được trải nhựa, những dãy tường rào rêu mốc đã bị phá bỏ gần hết, những dãy nhà tập thể dài thượt quay lưng ra đường đã bị thay thế bằng những ngôi nhà hai, ba tầng đủ kiểu Tây Tàu kim cổ. Có ngôi nhà tầng dưới tường ốp đá đen cửa sắt, tầng trên cửa vòm tường gạch son, trên sân thượng là am thờ kiểu chùa Một Cột. Có ngôi nhà, mặt tiền được ốp bằng gạch men trắng xưa nay thường được dùng trang trí toa-lét. Số nhà được đánh rất ngẫu hứng: 22, 24…, 60, 62, 18, rồi lại 24. Thậm chí có cả nhà số chẵn bên dãy số lẻ. Chỉ khổ nhân viên bưu điện và những ai tìm nhà mà mình chưa từng đến.
Đường phố đông vui sáng sủa hơn hẳn trước kia, đến mức có người phải than: “Đông vui quá, đông vui không chịu nổi”. Trước nhà tôi có một quán karaoke luôn tấp nập các cô cậu “nhí” đến thử giọng hoặc khoe giọng từ sáng sớm tới đêm khuya. Đến đêm, đã quá 12 giờ mà vẫn còn phải nghe những tiếng nỉ non “đêm đêm ngửi mùi hương…” hay “mời chàng hãy cùng tôi vui đêm nay…” được khuếch đại hết cỡ, vợ chồng ông anh cạnh nhà tôi đành chịu “vỡ kế hoạch”.
Chưa hết, vừa chợp mắt được một chút sau khi quán karaoke tắt tiếng, người ta lại bị đánh thức bởi tiếng rống thảm thiết của các chủ ỉn bị chọc tiết. Cách nhà tôi vài căn là một nhà làm nghề mổ lợn lậu. Họ mổ lợn ở ngay hè phố trước nhà, nước làm lông được đun sôi trong thùng phuy, bằng điện câu từ dây điện đường. Nước rửa từ đó chảy lênh láng dưới đường, tới tận trước nhà tôi, mang theo cả lông và phân lợn, dĩ nhiên mùi còn bay xa hơn nhiều. Mọi người xung quanh đều bất bình, nhưng chẳng ai dám nói, bởi không muốn thấy trên tường và cả cánh cửa nhà mình bê bết phân lợn. Hơn nữa, mấy thằng con trai nhà đó đứa nào cũng lực lưỡng!
Lần về thăm gần đây nhất, tôi được mấy ông bạn cũ đưa tới một quán thịt chó mới khai trương. Trước cửa quán treo tấm biển lớn kẻ tên “Quán Cầy Tơ Văn Nghệ”, phía dưới hàng tên là dòng chữ “Ngon – Bổ - Rẻ - Giảm giá cho văn nghệ sĩ”. Trong quán treo la liệt tranh chó: Chó đánh bài, chó đua mô tô, chó đấm bốc… và ảnh người đẹp ôm chó. Đặc biệt là bốn câu thơ lục bát kẻ nắn nót trên tường:
Thịt chó vừa rẻ vừa ngon
Chả chìa, dồi nướng lại còn tiết canh
Ăn vào già cũng hồi xuân
Đêm về vợ bảo: “Trai tân chẳng bằng”!
Quán rộng rãi mát mẻ, nhưng chất lượng món ăn vào loại xoàng. Đang ăn, thấy chủ quán tới gần, tôi chỉ mấy câu thơ trên tường, hỏi do ai làm. Dường như chỉ chờ có thế, ông chủ kéo ghế ngồi cạnh chúng tôi, hãnh diện khoe đó là sáng tác của ông. Cao hứng, ông đọc tiếp bài thơ “vừa làm tối qua”:
Cầu vồng bảy sắc lung linh
Ước gì hai đứa chúng mình được lên
Cầy tơ bảy món mời em
Em ăn, quên cả chuyện lên cầu vồng!
Cả quán vỗ tay đôm đốp, mọi cặp mắt đều dồn vào ông chủ quán. Được đà, ông đọc tiếp:
Nàng chỉ thấy ta làm thịt chó
Đâu thấy hồn thi sĩ trong ta
Cho vần thơ lênh láng chảy ra…
Ông còn kể cho chúng tôi dự định in một tập thơ, nhan đề là “Bảy sắc cầu vồng”, mỗi khách tới quán “Cầu Tơ Văn Nghệ” sẽ được tặng một tập. Khi chúng tôi đứng lên, ông tiễn chân ra tận cửa, vỗ vai chúng tôi: “Bữa nào vui vẻ lại tới nhé. Cùng là dân văn nghệ nói chuyện thật khoái”. Ông tự nhận là “dân văn nghệ” và do đó chúng tôi cũng được ông coi là “dân văn nghệ” nhưng chuyện giảm giá thì ông lờ tịt.
Tôi lại sắp có dịp về thăm phố cũ. Chẳng biết ông chủ quán “Cầy Tơ Văn Nghệ” đã in được tập thơ chưa, để tôi đến kiếm một tập về đọc chơi. Cũng có thể, lần này tôi lại được thấy thêm một chuyện mới mẻ hay ho, một cô bạn cũ bỏ chồng để lấy Tây chẳng hạn. Biết đâu đấy!
Comments
Post a Comment