Ở hai đầu nỗi nhớ
Họ là những người quen từ lâu của tôi, từng được nhắc đến hay đăng ảnh trên báo Tiền Phong và một số báo khác. Chia ly hay sum họp, câu chuyện Xuân của họ đều gắn với hai tiếng – Trường Sa.
Gia đình trung úy QNCN Nguyễn Duy Chinh ở quân cảng Cam Ranh, ít phút trước khi anh ra làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông
Bến cảng Cam Ranh, 8 năm trước
Chiều ngày 6-1-2008 trên quân cảng Cam Ranh, tôi gặp một phụ nữ trẻ từ Hải Phòng vào, đang hồi hộp chờ lên tàu ra Trường Sa. Hoàng Thị Mai được mời tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” của VTV3, ghi hình tại đảo Trường Sa, nơi có chồng cô, thiếu úy QNCN Nguyễn Duy Chinh. Là đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm 1999 họ quen nhau qua mục “Thư kết bạn” trên báo Tiền Phong. Cuối năm 2004 họ làm đám cưới, khi Mai đang là cô giáo trường mầm non của Cty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.
Hoàng Thị Mai trên tàu 936 trước giờ ra Trường Sa, ngày 6/1/2008
Từ tháng 9/2005 khi Duy Chinh ra đảo Trường Sa đến ngày 8/1/2008, khi được ở trong vòng tay nhau trên đảo Trường Sa, họ đã phải xa nhau 28 tháng đằng đẵng, con trai Nguyễn Hoàng Tuấn Đạt đã được 21 tháng tuổi nhưng chưa một lần được bố bế… Câu chuyện của họ đã được kể trong bài “Hội ngộ bất ngờ ởTrường Sa”, trên báo Tiền Phong số ra ngày 29/1/2008 và 2/2/2008.
Hoàng Thị Mai trên tàu 936 trước giờ ra Trường Sa, ngày 6/1/2008
Từ tháng 9/2005 khi Duy Chinh ra đảo Trường Sa đến ngày 8/1/2008, khi được ở trong vòng tay nhau trên đảo Trường Sa, họ đã phải xa nhau 28 tháng đằng đẵng, con trai Nguyễn Hoàng Tuấn Đạt đã được 21 tháng tuổi nhưng chưa một lần được bố bế… Câu chuyện của họ đã được kể trong bài “Hội ngộ bất ngờ ởTrường Sa”, trên báo Tiền Phong số ra ngày 29/1/2008 và 2/2/2008.
Giây phút vợ chồng Chinh - Mai gặp nhau trên đảo Trường Sa, sáng ngày 8/1/2008
Cũng ngày 6/1/2008, đang mang thai đứa con đầu lòng, Nguyễn Thị Phấn, cán bộ Huyện đoàn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tiễn chồng, trung úy QNCN Đỗ Việt Tiến ra làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết. Tháng 4/2008, sắp đến ngày sinh Phấn vẫn tìm tôi, nhờ chuyển quà cho chồng. Nam Cường, phóng viên báo Tiền Phong được ra đảo Nam Yết đã chuyển quà tới tận tay Việt Tiến. “Chỉ là mấy cái quần đùi, vì anh ấy nói ở đảo nước mặn, quần áo mau rách, và thuốc bổ gan, đỡ ngứa, vì ngoài đó ăn uống còn thiếu chất”. Sau này, Phấn tiết lộ với tôi về gói quà.
Chiều ngày 15/12/2008, khi nơi nơi chuẩn bị đón xuân, có ba con tàu từ bến cảng Cam Ranh đưa những người lính ra các điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa. Tàu 996 từ từ rời bến, một chàng trung úy trẻ trên tàu và một cô gái trên bến cảng vừa vẫy tay tạm biệt, vừa nói với nhau qua điện thoại. Cô gái miệng cười mà mắt nhòa lệ. Họ là trung úy xe tăng Trịnh Đức Thành, ra làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết và Phan Huyền Trang, kế toán Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa. Ảnh của họ đã được đăng trong bài “Trường Sa – Kẻ ra người nhớ” trên báo Tiền Phong số Xuân Kỷ Sửu (2009).
“Người lái đò” Trường Sa
Một trong những người lính Trường Sa được nhiều người đi thăm Trường Sa biết đến là thượng úy QNCN Tống Văn Tùng, chủ trang facebook Tống Tùng, trước kia là Người lái đò. Sau gần 5 năm làm nhiệm vụ ở các đảo Sơn Ca, Đá Tây A và Len Đao, Tùng được chuyển về tàu khách 996 của Vùng 4 Hải quân, đã tham gia vài chục chuyến đưa khách thăm Trường Sa và khu vực DK1. Anh đã chụp được nhiều ảnh độc đáo về các đảo ở Trường Sa, về cảnh khách lên thăm nhà giàn DK1 bằng cách đu dây, ảnh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa…
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tôi đi công tác ở Trường Sa trên tàu 996. Đó cũng là chuyến đi biển đầu tiên của Tống Tùng, khi vừa cưới vợ được 3 tháng. “Chúng em nên duyên như là trời định”, chàng trai Tĩnh Gia, Thanh Hóa kể. Năm 2007, sau hai năm ở đảo Sơn Ca, Tùng về quê nghỉ phép, bố mẹ giục anh lấy vợ. Nhỏ dại gì cho cam, đã 28 tuổi rồi. Nhưng chưa kịp tìm người yêu, Tùng đã phải trở lại đơn vị để tiếp tục đi đảo. Không ngờ, đó là lần nghỉ phép cuối cùng Tùng được gặp bố mẹ, anh không kịp báo hiếu song thân khi họ còn sống. Tháng 9/2008, bố mẹ Tùng vào Đắc Nông làm đám cưới cho em gái anh, trên đường về đến Nghệ An thì gặp tai nạn. Đang ở đảo Đá Tây A, Tùng được cho vào bờ chịu tang bố mẹ. Anh gặp lại Thanh Thương vào dịp đó.
Vợ chồng "người lái đò" Tống Tùng
Năm 1998, Tùng từ quê ra phố, ở trọ tại nhà Thanh Thương để ôn thi đại học. Ngay ngày đầu tiên ở trọ, Tùng bị sốt, được mẹ Thanh Thương tận tình chăm sóc. Suốt thời gian ở trọ, Tùng được bà chăm nuôi như con trong nhà. Bởi vậy, sau này mỗi lần về phép Tùng đều ra thăm bà. “Không phải kiếm cớ thăm con gái bả đâu nhé. Hồi em trọ học cô ấy mới 10 tuổi, em cũng chưa biết gì”. Tùng kể. Về chịu tang bố mẹ, Tùng ra thăm bà chủ nhà trọ ngày xưa, gặp lại Thanh Thương, lúc đó vừa học hết năm thứ nhất đại học. Tháng 4/2009 Tùng vừa ngỏ lời yêu thì lại nhận nhiệm vụ ra đảo Len Đao, đến tháng 9/2011 họ mới làm đám cưới. Bây giờ, vợ chồng Tùng đã có cậu con trai hơn 3 tuổi và một căn nhà nhỏ gần Bệnh viện Đa khoa thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi Thanh Thương làm việc.
Tống Tùng và nữ sinh viên Đoàn Ngọc, tác giả tập thơ “Ngược Sóng” viết về Trường Sa, trên tàu 996 đi thăm Trường Sa, tháng 5/2015
Khi bài này lên blog, “Người lái đò” lại đang đưa hàng Tết ra với đồng đội ở Trường Sa.
Nao nức xuân về
Sáng ngày 22/4/2014, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang giao lưu với bộ đội đảo Sơn Ca. Anh lính đầu tiên ra hát chính là trung úy QNCN Nguyễn Duy Chinh. Đó là lần thứ hai tôi gặp Duy Chinh ở Trường Sa, sau lần đầu là ngày 16/5/2013, trên đảo Trường Sa. Từ năm 2008 đến nay, Duy Chinh đã ra Trường Sa làm nhiệm vụ 4 lần nữa. Cậu con trai Tuấn Đạt đã học lớp 4, gia đình anh đã có thêm cô con gái Hà Linh gần 6 tuổi, còn Mai ở nhà làm nghề may. “Em đi xa suốt, mình cô ấy không thể vừa đi dạy vừa nuôi hai con nhỏ”. Duy Chinh nói với tôi, khi chuẩn bị ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tết này, gia đình anh lại không được quây quần bên nhau.
“Chồng em ở Trường Sa sắp về rồi”. Phấn khoe, khi tôi đến thăm 3 mẹ con cô ở thị trấn Khánh Vĩnh. Sau đảo Nam Yết, Việt Tiến còn đi làm nhiệm vụ ở các đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, rồi lại ra đảo Nam Yết, tổng cộng hơn 5 năm rưỡi. Hai con trai của anh đều sinh ra khi anh đang ở đảo Nam Yết, Chí Vĩ sinh tháng 5/2008, 8 tháng sau bố mới về, Tiến Nam sinh tháng 10/2014, nay đã hơn 14 tháng mới sắp được bố bế. Kể chuyện vất vả nuôi hai con nhỏ, rồi trong mắt Phấn lại ánh lên niềm vui. Tết này, lần đầu tiên cả nhà cô sẽ được cùng ra Bắc, đón Xuân ở hai quê, Thái Bình và Bắc Ninh.
Niềm vui của mẹ con chị Nguyễn Thị Phấn khi chồng chị, anh Đỗ Việt Tiến sắp về từ đảo Nam Yết
Niềm vui ấy, tôi cũng thấy trong mắt của vợ chồng đại úy Trịnh Đức Thành. Họ đã kết hôn năm 2012, Huyền Trang vừa sinh con gái cuối tháng 11/2015, đặt tên con là Vân Khánh. “Lần sau nếu đẻ con trai, chúng em sẽ đặt tên là Trịnh Phan Vinh, vừa có họ của em, vừa mang tên đảo Phan Vinh ở Trường Sa”. Huyền Trang vừa nựng con gái, vừa nói.
Niềm vui, hạnh phúc khi xuân về của vợ chồng đại úy Trịnh Đức Thành và con gái
Comments
Post a Comment