Kiểu làm sách nhặt nhạnh, chắp vá

        Vài tuần nay, dịp kỷ niệm sự kiện 14/3/1988, dư luận lại ồn ào về cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Cty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News (Nhà sách Trí Việt), nơi biên soạn cuốn sách than thở, tại sao cuốn sách đầy tâm huyết của nhiều người, nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước mà long đong hai năm nay, bị hàng chục nhà xuất bản từ chối xuất bản. Trả lời báo Tiền Phong, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin Truyền thông nói, Gạc Ma-Vòng tròn bất tử là cuốn sách tập hợp một số bài báo, cần thẩm định kỹ. Tác phẩm kiểu như Gạc Ma - Vòng tròn bất tử buộc phải chính xác không sai một chữ, để phục vụ lịch sử, phục vụ văn hóa, phục vụ việc đấu tranh đòi chủ quyền. Đề tài càng hay, càng nóng bỏng càng phải cẩn thận. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, một trong những nơi chưa đồng ý xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, tên sách quá hay, đề tài quá hay nhưng nội dung quá yếu. NXB Trẻ đã gắng biên tập để “vớt” bản thảo lên, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa rõ về các vấn đề tác quyền của các bài báo được sử dụng lại. NXB Công an Nhân dân đã đăng ký xuất bản cuốn sách Gạc Ma-Vòng tròn bất tử rồi lại rút. Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Công an Nhân dân, cuốn sách tập hợp các bài viết trên mạng không rõ nguồn, rất nhiều bài của mạng nước ngoài, khó kiểm chứng, khó xác định bản quyền.
          Như vậy, ngoài vấn đề sự xác thực của thông tin, cuốn sách  Gạc Ma - Vòng tròn bất tử còn có vấn đề về bản quyền. Theo tôi được biết, ít nhất có hai cuốn sách về Gạc Ma, về Trường Sa đã được xuất bản có vi phạm về bản quyền, nội dung cũng chưa chắc đã chuẩn.
Tháng 8/2015, tôi được đồng nghiệp báo rằng, cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng (qua tác phẩm báo chí từ Thủ đô Hà Nội)do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và NXB Hà Nội tổ chức biên soạn có sử dụng một bài của tôi, đã đăng trên báo Tiền Phong. Cùng với bài báo đó, cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng (qua tác phẩm báo chí từ Thủ đô Hà Nội) còn sử dụng 45 bài báo khác, đã đăng trên các tờ báo không thuộc Hà Nội. Đồng nghiệp báo tin thì biết vậy, chứ không ai gửi sách biếu. Vừa rồi, tôi được mấy người bạn cho biết, ở nhà sách Tân Tiến, Nha Trang có cuốn sách Cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma, do NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản, sử dụng hai bài của tôi đã đăng trên báo Tiền Phong. Đến nhà sách, thấy vẫn còn cuốn sách do NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản từ quý II/2014, dày 456 trang. Theo lời nói đầu, “đây là tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần phát huy lòng yêu nước, ý thức bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Tuy nhiên, cũng như cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng, cuốn sách này sử dụng rất nhiều bài đã đăng trên các báo, thậm chí có bài từ “nguồn internet”. “Em tưởng cuốn sách có nhiều thông tin bổ ích nên mới mua, ai dè mua phải hàng độ”. Một người bạn của tôi nói. Bên cạnh chất lượng nội dung không cao, các hình ảnh trong sách được in nhòe nhoẹt, tệ hơn cả các bản phô tô, hoàn toàn không cung cấp được thông tin. Có những bức ảnh rất tệ, như bức ảnh Anh hùng, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các đồng đội trên tàu HQ-505, con tàu đã ủi bãi, giữ được đảo Cô Lin ngày 14/3/1988.
Xem bức ảnh này trong cuốn sách Cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma, người đọc không thấy sự tôn vinh những người lính anh hùng như NXB Văn hóa - Thông tin nói, mà thấy như có sự xúc phạm họ  

Không rõ bản quyền, không trả tiền cho các tác giả có bài trong sách, cuốn sách rất tệ này ghi giá bán là 335 nghìn đồng. Thật ngẫu nhiên, trên kệ sách, ngay bên cạnh cuốn sách này là cuốn sách Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, gần 650 trang, ngồn ngộn thông tin, ghi giá bán chỉ là 180 nghìn đồng
“Có những kiểu làm sách nguy hiểm, nhặt nhạnh, chắp vá những bài viết trên mạng dựa vào độ hót của sự kiện, tên gọi”. Đồng nghiệp Trần Tuấn nói, quá đúng.
       

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai