Sông Nhuệ của tôi
Nhà tôi ở khu gia đình Viện quân y 103, Học viện Quân y, đất cũ làng Xa La bên sông Nhuệ. Lũ chúng tôi, ngày tắm sông vài buổi là thường. Nước sông Nhuệ bình thường khá trong, nhưng cũng nhiều khi đỏ nặng phù sa. Đó là khi Công ty Thuỷ nông sông Nhuệ mở cửa đập, đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ, tuới tắm cho khắp vùng Hà Đông, Hà Nam . Khi nước lên, chúng tôi rủ nhau kiếm que tre làm cần, chỉ khâu hoặc dây lõi pin Văn Điển làm dây câu, đập ruồi làm mồi để câu cá mương. Chỉ cần rắc ít thính xuống sông là cá mương kéo đến hàng đàn, cắn câu và bị giật lên bờ liên tục.
Nước rút, để lại lớp phù sa dày màu nâu đỏ. Bọn trẻ con chúng tôi hay làm cầu trượt bằng phù sa để trượt từ bờ sông xuống nước, hoặc vùi mình trong lớp phù sa mịn mát ấy. Không thể quên cảm giác khoan khoái tuyệt vời những khi đó. Tắm bùn khoáng Tháp Bà Nha Trang cũng không bằng đùa nghịch với phù sa sông Nhuệ.
Sông Nhuệ, đoạn giữa khu tập thể Học viện Quân y và làng Hà Trì
Cũng nhiều khi, chúng tôi chửi nhau với bọn trẻ con bên làng Hà Trì. Bọn tôi thường thắng, với câu chửi kinh điển “Hà Trì là con Xa La, Xa La là cháu viện 3, viện 3 là cha Yên Phúc, Yên Phúc là cục mắm tôm”. Chửi nhau chán thì lấy đất, đá, mảnh sành ném nhau. Thỉnh thoảng bên này bơi sang bên kia tấn công. Có lần, hồi tôi học lớp 4, chúng tôi bị bọn trẻ Hà Trì tập kích. Chúng bơi qua sông ở đoạn khác, rồi lẻn tới chỗ chúng tôi để quần áo, ôm sạch. Lần đó, may có thằng bạn để quần áo ở chỗ khác, nó cho tôi mượn cái áo để về nhà…
Sông Nhuệ cũng là một nguồn sống của gia đình tôi. Bên bờ sông, nhà tôi có một mảnh vườn, chừng dăm chục mét vuông. Rau muống, xu hào, rau dền, đậu cô-ve, cà chua, thì là…, mùa nào thức nấy, chính tay tôi đã trồng chừng ba bốn chục loại rau ở mảnh vườn ấy. Lâu lâu cả nhà, từ bố mẹ đến anh chị em chúng tôi, kể cả mấy đứa em gái lại xắn phù sa dưới sông lên bồi cho vườn. Chẳng cần mai hay xẻng, chỉ cần dùng tay xắn từng miếng phù sa bỏ vào xô, xách lên vườn. Rau trồng trên đất phù sa mới, xanh tốt lạ. Dọc mùng cao quá đầu tôi, còn rau cải xanh, mỗi bữa chỉ cần tỉa mươi lá là đủ cho cả nhà gần chục người… Rồi nhà tôi còn làm chuồng lợn ở đó. Nhờ nuôi lợn, tắm lợn mà có lần tôi làm bài văn tả lợn được cô giáo chủ nhiệm lớp khen hay, đọc bài văn trước lớp.
Khi nước sông Nhuệ cạn, chúng tôi hay đi xúc hến, mò trai. Lội dọc mép nước, lấy rổ xúc bùn phù sa rồi dùng tay chà cho phù sa tan chảy theo nước, hến và trùng trục ở lại. Nếu bắt trai thì mang theo cái chậu, lội ra chỗ nước sông sâu đến cổ. Dò dẫm bằng chân, thấy trai thì ngụp xuống móc lên. Chừng tiếng đồng hồ là đủ nguyên liệu cho nồi canh hến, cháo trai ngon tuyệt!
Bây giờ, những chuyện trên đã thành cổ tích. Sẽ chẳng bao giờ có thể tắm ở sông Nhuệ được nữa. Không được như nhạc sĩ Hoàng Hiệp “lòng chợt vui, thấy sông không già”. Sông Nhuệ đã thành dòng sông đen, nước sông Nhuệ bây giờ còn kinh khủng hơn nước sông Tô Lịch. Sông Nhuệ của tôi đã chết.
Nghe nói Hà Nội đã có dự án hồi sinh sông Nhuệ. Bao giờ cho đến ngày xưa!
Comments
Post a Comment