Bờ, có một chữ Bờ, không phải Buồn, mà là Bực

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam mà cũng bảo rằng “bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa”.

Hôm 12/12, bản tin dự báo về áp thấp nhiệt đới của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ghi rằng “đảo Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa”. Buồn khi thấy cái sai to, tôi đã đăng status phê bình Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, không những “nâng cấp” bãi ngầm Huyền Trân thành đảo, còn chuyển bãi ngầm này thuộc quần đảo Trường Sa. Trong status, tôi viết: “Nhà nước Việt Nam khẳng định, bãi ngầm Huyền Trân, cũng như các bãi ngầm Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính…, nơi Việt Nam lập Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học – kỹ thuật (DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa. Còn Trung Quốc luôn cho rằng khu vực các bãi ngầm Huyền Trân, Phúc Nguyên… thuộc quần đảo Trường Sa, từ đó đưa khu vực này vào phạm vi họ tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Nói khu vực các bãi ngầm Huyền Trân, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Vũng Mây thuộc quần đảo Trường Sa là nói trái với sự khẳng định lâu nay của Nhà nước Việt Nam, là nói đúng với quan điểm của Trung Quốc đó. Chuyện liên quan chủ quyền quốc gia, không phải chuyện nhỏ đâu”.
Rất nhanh sau đó, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã nhận sai, và điều chỉnh bản tin.
Hôm nay, đồng nghiệp lại cho biết, trong một văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo ứng phó ATNĐ cũng ghi “đảo Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa”. Chưa hết, trong thông báo ngày 17/12 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) về việc cấp cứu ngư dân Trần Duy Lam, cũng ghi: “Tàu BV 98759 Ts đang hành nghề trên biển tại khu vực bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa”. Đọc hai văn bản này, tôi không còn buồn nữa, mà bực, giận. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là cơ quan có điều kiện, có trách nhiệm nắm rõ nhất, chính xác nhất thông tin về biển, đảo Việt Nam, về quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề chủ quyền biển, đảo. Vậy mà Trung tâm này cứ khơi khơi bảo rằng bãi ngầm Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, tức là đưa một thực thể địa lý hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam vào khu vực bị tranh chấp.
Bực, giận vì một lý do nữa: Bãi Tư Chính là một địa danh rất nổi tiếng trong tranh chấp chủ quyền giữa Việt Namvà Trung Quốc. Trung Quốc gọi bãi Tư Chính là Vạn An Bắc, coi nó thuộc quần đảo Trường Sa, nói rằng Trung Quốc có chủ quyền ở đó. Tháng 5/1992, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở các lô 133 – 134 – 135 trên thềm lục địa Việt Nam, cạnh bãi ngầm Tư Chính với Cty Crestone Energy của Mỹ. Việt Nam đã phản ứng quyết liệt, kể cả cho tàu có vũ khí ra đó, kết cục là Cty Crestone Energy phải ngưng việc thăm dò ở khu vực bãi Tư Chính. Rất lạ, nếu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam không biết gì về vụ căng thẳng này.
Ngày 12/12, rất nhiều báo đã đăng theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong đó “đảo Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa”. Anh Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dẫn status của tôi để đề nghị các báo sửa sai. Hôm nay, lại nhiều báo, kể cả báo Nhân Dân, báo Tin Tức – kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành, báo Công An Nhân Dân… đăng tin theo thông báo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong đó “bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa”.
Đừng lấy lý do “đăng đúng theo thông tin của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam”. Thấy thông tin sai liên quan đến chủ quyền quốc gia thì phải chủ động báo sai, và chủ động sửa. Báo điện tử Infonet đưa tin theo thông báo của VMRCC về việc cứu ngư dân Trần Duy Lam, nhưng đã chủ động sửa thông tin sai lạc về bãi Tư Chính.
Bờ, có một chữ Bờ, chữ Bờ này không phải Buồn, mà là Bực!
Mấy chục năm tuyên truyền, có hàng nghìn nhà báo đã được ra Trường Sa, được ra DK1, luôn luôn hô rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, nhưng bao nhiêu người thực sự biết đâu là Trường Sa, đâu là DK1, đâu là thềm lục địa Việt Nam!


Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai