Chân thành và giả tạo

          Ngồi cà phê, lướt phây của một người hay viết về sự chân thành, bao dung và tử tế. Thấy anh bạn ngó qua, mới hỏi có biết anh này không? Biết. Anh bạn kể, anh và anh kia trước chung cơ quan, vẫn thường xưng hô ông tôi vì xêm xêm tuổi nhau. Nhưng khi anh được giao đi thẩm tra lý lịch anh ấy, anh ta gọi anh bằng anh, xưng em. Sau đó, do lý lịch có một điểm mờ, con đường chính trị ngưng lại, anh ta lại ông tôi với anh bạn, nhưng không còn thân mật nữa. “Thật ra tôi thấy xa cách, không thật từ khi ổng xưng em với tôi”, anh bạn nói.
           Xem facebook của một vài người sống bằng nghề viết, nghề nói (người viết báo, viết văn thơ, thầy cãi...), thấy họ hay viết kiểu lập lờ, người đọc đều thấy ẩn ý bỉ bôi thể chế hay một tổ chức, cá nhân nào đó, cạnh khóe một điều gì đó hoặc "khen đểu", nhưng bắt bẻ họ không dễ. Một kiểu xu thời hèn hèn. Những trang facebook kiểu đó thường làm tôi liên tưởng đến mảnh vải nhờ nhờ màu nước dưa, là nguồn cơn để tôi viết status “Trắng thì trắng, đen thì đen, đừng ra cái thứ nhá nhem, cháo lòng”. Có những người tôi không thích tiếp xúc, vì không muốn có cảm giác nhờn nhợn khi phải nghe họ nói không biết ngượng về “cái tâm”, về điều thiện. 
          Trái lại, có những người khiến tôi lắm lúc phát bực với cách cư xử bộc tuệch, lời nói thô kệch, có tay thậm chí tác phong lè phè, cư xử bỗ bã quá trớn, kiểu cậy mình lớn tuổi nên họp cơ quan vẫn gọi sếp là thằng, hoặc gọi ông anh “ê, ra đây tôi bảo cái này”... Nhưng họ vô tư, không làm màu, không giả dối nên nói chuyện, làm việc với họ bao giờ cũng thoải mái, tự nhiên.
          Một ông anh nói, như Quân cóc không bất mãn thì thôi, chứ mấy tay kia... Chả biết bác hiểu chuyện đời tôi đến đâu, nhưng câu nói đó cho thấy bác có não trạng lành mạnh, tâm thế đàng hoàng.
.

Comments

Popular posts from this blog

Trường Sa tháng 4/2014 - 1. Gạc Ma

Phải chửi một phát, không thể chỉ nói mát!

Nhìn hẹp, hiểu sai